Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Gắn bó với Sư đoàn 9


Bài viết nhân Kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn 9 (2-9-1965 - 2-9-2010)


(ĐSCT) LTS: Cách đây tròn 45 năm, tại căn cứ Suối Nhung, tỉnh Phước Thành cũ (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), một đơn vị Quân giải phóng cấp sư đoàn đầu tiên của chiến trường Nam bộ được thành lập mang mật danh “Công trường 9”. Sư đoàn 9 đã lập nên các chiến công ở Bầu Bàng, Dầu Tiếng, Đồng Xoài, Bình Giã...; tham gia giải phóng Sài Gòn, giải phóng đất nước Chùa Tháp... Sư đoàn 9 đã có những anh hùng nổi tiếng như Trừ Văn Thố, Tạ Quang Tỷ, Đoàn Hoàng Minh, Nguyễn Đức Nghĩa... Đã hai lần Sư đoàn 9 được phong danh hiệu anh hùng. Nhiều nhà báo đã gắn bó với Sư đoàn 9 như Nguyễn Thi, Phạm Khắc, Đinh Phong, Nguyễn Đặng... Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà báo Đinh Phong về những năm tháng gắn bó với Sư đoàn 9.
 

Lần đầu tiên tôi gặp các chiến sĩ của Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 - tiền thân của Sư đoàn 9 vào tháng 5-1965 tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần 1. Tháng 12-1964 đến tháng 1-1965 các chiến sĩ đó đã lập nên chiến thắng Bình Giã. Họ đến đại hội với bản báo công về những ngày chiến đấu anh hùng. Sau đại hội, các chiến sĩ Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 lại lập nên chiến công anh hùng ở Đồng Xoài.
Do đang ở chiến trường miền Tây, tôi không được dự lễ công bố thành lập Công trường 9 - Sư đoàn 9 vào ngày 2-9-1965. Hơn một tháng sau tôi đã có mặt ở đơn vị và viết về chiến thắng Dầu Tiếng vang dội của Trung đoàn 1 (tháng 11-1965). Rồi ba lô lên vai, tôi cùng sư đoàn hành quân về vùng Đất Cuốc, bắc Sông Bé... với những trận đánh thắng dòn dã. Rồi sau đó đánh tan cuộc càn Gian-xơn Xi-ti của 45.000 quân Mỹ vào căn cứ của lãnh đạo cách mạng miền Nam, lập nên các chiến công ở Đồng Rùm, Ngã ba Vũng... Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, tôi được đi theo Sư đoàn 9 khi đơn vị lập nên chiến công vang dội ở Vĩnh Lộc, Cầu Tre, trên đường phố Sài Gòn ở Vườn Lài, Chợ Thiếc. Theo lời kêu gọi của nhân dân Campuchia, Sư đoàn 9 đã hành quân lên đất Chùa Tháp giải phóng một vùng rộng lớn, đánh tan cuộc càn Chella của địch. Là phóng viên chiến trường, tôi được cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 9 yêu thương, che chở và giúp đỡ thu thập tài liệu để viết.
Trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975, sư đoàn vào Phước Long nhưng tôi không được theo chân sư đoàn vào Sài Gòn vì đang theo bộ đội từ Tây nguyên đánh xuống phía nam...
Rồi tôi lại cùng Sư đoàn 9 trở lại đất Chùa Tháp năm 1979 giúp bạn bảo vệ phum sóc và đón các chiến sĩ sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ trở về năm 1989.
Đã 45 năm tôi gắn bó với sư đoàn chủ lực đầu tiên của Nam bộ thành đồng. Tôi đã được đi cùng và được sự dẫn dắt của các vị tướng lĩnh sư đoàn như Hoàng Cầm, Lê Văn Tưởng, Hoàng Thế Thiện, Nguyễn Thế Bôn, Bùi Thanh Vân, Nguyễn Thới Bưng, Lê Nam Phong, Nguyễn Văn Thái... Đặc biệt, tôi đã được sống và chiến đấu với các chiến sĩ mà nay đã trở thành các tướng lĩnh của quân đội ta như Lê Văn Dũng, Đào Lợi, Nguyễn Năng Nguyễn, Nguyễn Minh Chữ, Huỳnh Hồng Sơn...
Chính từ những năm tháng sống và chiến đấu ở Sư đoàn 9, tôi đã viết nhiều về họ và đã làm nhiều phim tài liệu về Sư đoàn 9 anh hùng.
Vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập sư đoàn, tôi đã cùng các anh Bùi Cát Vũ, Phạm Khắc, Nguyễn Hồ làm bộ phim bốn tập Sư đoàn 9 anh hùng. Để làm được phim này, đạo diễn Phạm Khắc đã xem hàng trăm giờ phim tư liệu của ta và địch để tìm ra những cảnh ghi các trận đánh của Sư đoàn 9. Tôi đã ra Hà Nội, lục trong kho phim tư liệu của Xưởng phim Quân đội để tìm các đoạn phim quay về Sư đoàn 9, đặc biệt có đoạn phim đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm sư đoàn và thăm Bệnh viện K70 đang chữa trị cho các chiến sĩ Sư đoàn 9.
Vào năm 1995, tôi và Phạm Khắc lại tiếp tục làm phim tài liệu Quân đoàn tuổi 20 về Quân đoàn 4, trong đó có Sư đoàn 9. Cũng vào năm đó, tôi viết kịch bản cho Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phim tài liệu Dấu son Bình Giã nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng oai hùng này.
Về các tướng lĩnh của sư đoàn, tôi đã cùng Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành ba tập phim về ba người lãnh đạo đầu tiên của sư đoàn là Tư lệnh Hoàng Cầm, Chính ủy Lê Văn Tưởng và Phó chính ủy Hoàng Thế Thiện...
Vẫn còn nhiều tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ của Sư đoàn 9 có nhiều chiến công, có nhiều kỷ niệm rất xúc động mà chưa viết hoặc chưa làm phim. Đó là trách nhiệm của những người đã gắn bó với Sư đoàn 9 - trong đó có tôi là một nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch phim tài liệu...
Tôi đã hứa với đồng đội, với vong linh các liệt sĩ rằng sẽ cố gắng viết về người lính Quân giải phóng, trong đó có Sư đoàn 9, bởi tôi luôn nghĩ rằng “chức sắc và tiền bạc sẽ đi qua, nhưng nghĩa tình, nhất là nghĩa tình của những người lính, sẽ còn lại một đời...”.

ĐINH PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét